Những điều cần lưu ý khi đầu tư vào tiền kỹ thuật số
Lo thao túng giá
Trong bối cảnh đồng tiền số Bitcoin đang dần trở thành một tài sản đầu tư chính thống và một số quốc gia đang bước từng bước đến hợp pháp hóa Bitcoin như một hệ thống thanh toán (Nhật Bản vào tháng 4/2017), điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư là phải hiểu thị trường tiền số dễ dàng bị thao túng như thế nào.
Tiền số nói chung và Bitcoin nói riêng đều không yêu cầu một cơ quan trung ương nào xác nhận và giải quyết các giao dịch. Thay vào đó, chúng sử dụng mật mã (và một hệ thống khuyến khích bên trong) để kiểm soát các giao dịch, quản lý nguồn cung và ngăn chặn gian lận.
Các khoản thanh toán được xác nhận bởi một mạng lưới phân quyền. Một khi được xác nhận, tất cả các giao dịch được lưu trữ số hóa và ghi lại công khai trong blockchain - hay còn gọi là hệ thống kế toán phân quyền.
Trong khi thuật toán của Bitcoin cung cấp những công cụ bảo vệ chống lại khả năng làm giả, hệ thống sinh thái của đồng tiền này vẫn có khả năng bị đánh cắp thông qua ví điện tử hoặc sàn giao dịch - 2 hình thức mà nhà đầu tư thường lưu trữ Bitcoin.
Sàn giao dịch là đối tượng bị nhắm đến nhiều hơn bởi nhiều ví được đặt trên máy tính của người dùng, còn các sàn giao dịch thường xuyên trữ tiền gửi của khách hàng trong một tài khoản ví chung có giá trị rất lớn.
Các đồng tiền số được thiết kế sao cho nguồn cung tăng theo một tỷ lệ xác định trước và không thể bị thay đổi bởi bất kỳ một cơ quan trung ương nào.
Tính đến thời điểm này, có tổng cộng 16.716.625 đồng Bitcoin trong lưu thông. Như vậy, chỉ còn khoảng 4 triệu đồng Bitcoin chưa được khai thác.
Mặc dù nguồn cung cố định trong ngắn hạn giúp Bitcoin giữ giá luôn ở mức cao, trong dài hạn điều này sẽ gây ra rủi ro giảm phát đồng tiền.
Bên cạnh đó, Bitcoin cũng cho thấy tiềm năng phá vỡ hệ thống thanh toán hiện tại thông qua các sáng kiến công nghệ. Tuy nhiên, do tính chất phi tập trung, môi trường phân quyền và vô danh, tiền số thường xuyên là đối tượng tấn công của các nhóm hacker. Nhiều sàn giao dịch đã thông báo bị đánh cắp hàng chục triệu USD.
Tiền ảo có "ngon ăn"?
Sự phi mã của Bitcoin trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư vào tiền ảo không hề "ngon ăn". Tham gia tiền ảo, có nhiều cách chơi, nhưng xem ra cách nào rủi ro cũng vây bủa nhà đầu tư.
Đầu tiên, khi lựa chọn 1 đồng tiền ảo nào đó, người chơi sẽ đứng trước ma trận với hàng nghìn loại, mà đồng nào cũng lấp lánh với cụm từ mỹ miều “đồng tiền của tương lai”.
Nếu “dày vốn, to gan” thì chọn đồng Bitcoin- đồng tiền làm mưa làm gió trên thị trường. Tuy nhiên, với mức giá không tưởng- gần 12.000 USD (hơn 270 triệu đồng) cho 1 đồng tiền số, thì người chơi phải có tiềm lực kinh tế cực mạnh.
Bất chấp những cảnh báo, giới đầu tư vẫn không ngừng đổ tiền vào Bitcoin (Ảnh minh họa KT)
Một lý do quan trọng để mua Bitcoin là chỉ có 21 triệu Bitcoin tồn tại và hầu hết trong số đó đang được giao dịch trên thị trường.
Những chuyên gia về Bitcoin cho biết, số lượng Bitcoin được tạo ra bởi quá trình đào bằng máy tính sẽ giảm xuống một nửa mỗi vài năm. Hiện tại, khoảng 80% số lượng Bitcoin đã được khai thác và sẽ không có đồng Bitcoin nào mới xuất hiện sau năm 2040. Sự khan hiếm này có thể tiếp tục đẩy cầu lên cao, đặc biệt nếu các ngân hàng trung ương quyết định bắt đầu mua chúng như là dự trữ tiền tệ.
Tuy nhiên, cũng có lý do được đưa ra để cảnh báo nhà đầu tư không nên mua Bitcoin khi người sử dụng Bitcoin chủ yếu là tội phạm rửa tiền và cửa hàng nhỏ.
Trong nhiều năm gần đây, các cửa hàng nhỏ đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin qua thẻ ATM và thẻ tín dụng. Nhưng bất chấp kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng bitcoin có thể thay thế tiền mặt một ngày nào đó, không có bằng chứng nào cho thấy điều này.
Thực tế, thanh toán bằng Bitcoin phát triển quá chậm so với sự phát triển của thanh toán bằng thẻ tín dụng hay thẻ ATM, trong khi phí giao dịch đang tăng lên. Bạn phải cần tới 10 phút để thực hiện giao dịch với Bitcoin trong khi qua thẻ ATM chỉ cần vài giây.
Do những hạn chế thanh toán nên chủ yếu Bitcoin chỉ được dùng trong những giao dịch bất hợp pháp: trả tiền mua hàng hóa bất hợp pháp hoặc tống tiền trên Internet.
Bên cạnh đó, sự biến hóa khôn lường của Bitcoin cũng khiến nhà đầu tư e ngại. Trong lịch sử gần 10 năm của đồng tiền này, Bitcoin trải qua rất nhiều lần tăng giảm chóng mặt. Ví dụ, vào năm 2013, tiền tệ đã tăng lên mức trên 1.100 USD sau khi tăng lên 700 USD một vài tháng trước đó, và sau đó giảm xuống gần 200 USD vào đầu năm 2015. Không có lý do gì để chứng mình việc này lại không thể xảy ra một lần nữa.
Mặc dù các nhà đầu tư có thể kỳ vọng ở mức 5.000 USD, thậm chí 10.000 USD, nhưng cũng có thể Bitcoin sẽ giảm xuống còn 2.000 USD hoặc thấp hơn trong năm 2017. Hiện tại, Bitcoin đã tăng giá gấp 10 trong năm nay.
Thái độ của các nước đối với Bitcoin thế nào?
Đáng chú ý, mặc dù được chấp nhận ở nhiều nước nhưng Bitcoin vẫn không được ngân hàng nhà nước ở một số quốc gia công nhận. Rất nhiều nước kiên quyết từ chối giao dịch bằng loại tiền này. Thái Lan là quốc gia đầu tiên cấm giao dịch đồng tiền ảo Bitcoin. Chính phủ Nauy cho rằng, đồng tiền ảo Bitcoin không đủ tính pháp lý để được coi như tiền tệ thực sự.
Bộ Tài chính Canada cũng phát đi thông báo: "Tiền ảo Bitcoin không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Canada".
Trung Quốc đã ra lệnh cấm Bitcoin, do đánh giá loại tiền này chứa đựng nhiều rủi ro. Văn phòng Công tố Liên bang Nga ban hành quy định, nghiêm cấm sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác.
Tại Việt Nam, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng coi Bitcoin và các đồng tiền ảo tương tự khác là phương tiện thanh toán bất hợp pháp.
Chia sẻ trên với báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư cho hay, hiện ở Việt Nam có nhiều trang web mua bán tiền ảo, nhưng đặt máy chủ ở nước ngoài. Hoạt động mua bán tiền ảo phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin, nên luôn hiện hữu nguy cơ mất an toàn dữ liệu.
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh khuyến cáo: Nếu xảy ra sự cố bị hacker tấn công mạng hoặc mạng bị đóng cửa, thì người tham gia sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại. Ngoài ra, những thông tin về giao dịch có thể được lưu giữ lại, do đó dẫn đến nguy cơ mất tính riêng tư của giao dịch./.