Nhiều người cho rằng mô hình huy động vốn ICO phổ biến ngày nay dường như đã khiến hình thức đầu tư mạo hiểm (VC) dần biến mất.
Thị trường ICO đã bùng nổ trong hơn một năm qua. Trong quý 1 năm 2018, số vốn huy động từ ICO còn nhiều hơn số vốn trong toàn năm 2017. ICO mang đến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khả năng góp vốn cho các dự án mà họ tin tưởng, cũng như tính tự do cho các công ty. Nhờ vậy ICO dường như trở thành giải pháp huy động vốn tốt nhất.
Tuy vậy, thế giới VC cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Nhiều công ty VC đã dấn thân vào hệ sinh thái blockchain và tiền tệ mã hóa với các quỹ lấy tiền mật mã làm trung tâm bắt đầu xuất hiện kể từ đầu năm 2013.
Đối với VC, blockchain và tiền mật mã cung cấp một thị trường lợi nhuận tiềm năng chưa khai thác, tính thanh khoản đáng kể cũng như tính linh hoạt về tài chính. Hơn nữa, công nghệ blockchain ngày càng chiếm lĩnh thế giới nên nếu các công ty VC không lập nổi kế hoạch thích nghi thì có thể bị tụt hậu.
Một mô hình đầu tư hiệu quả hơn
Một trong những vấn đề mà các công ty VC gặp phải là không thể rút tiền dễ dàng. Với nguồn góp vốn truyền thống, sau khi ký séc và gửi quỹ thì rất khó để bù lại khoản tiền đó ngoại trừ thu mua lại hoặc IPO, để lại nguy cơ thua lỗ đáng kể trong danh mục VC. Thay vào đó, blockchain cung cấp cho doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm một phương tiện đầu tư linh hoạt hơn.
VC có nhiều lựa chọn mô hình đầu tư hơn khi tìm kiếm các dự án mới. Họ có thể chọn thỏa thuận vốn sở hữu (equity) tiêu chuẩn. Họ cũng có thể chọn mô hình SAFT (hợp đồng cổ phần tương lai theo token) với nhiều lợi ích. SAFT cho phép các công ty góp vốn cho các dự án trong giai đoạn ‘tiền ICO’ và rút tiền với số lượng token cố định sau khi phát hành sản phẩm. Token này không đại diện cho vốn sở hữu trong công ty và do đó mang đến tính tự do cao hơn cho công ty. Điều này cho phép các VC đầu tư trực tiếp vào một công nghệ nền tảng do có nhiều động lực để thành công hơn.
Tính thanh khoản từ thị trường tiền mật mã cho phép công ty thu lợi nhuận nhanh hơn nhiều. Hơn nữa, nhận token thay vì cổ phiếu cho phép các VC bán tống tài sản nếu khoản đầu tư kém hiệu quả. Cơ chế đơn giản này cung cấp một mức độ bảo vệ trước nguy cơ sụt giảm mạnh về giá cả tiền mã hóa và sự biến động của thị trường.
Dù vậy, tính biến động của thị trường mang đến yếu tố cơ hội cho VC. Trong năm 2017, lợi nhuận trung bình của các quỹ đầu cơ là 8,7%; còn loại quỹ dựa trên tiền mật mã đạt lợi nhuận gần 3.000%. Cộng đồng VC cũng “bon chen” với tiền mã hóa trong 5 năm qua nhằm thu lợi nhuận khổng lồ. Kể từ năm 2012, các công ty VC đã đóng góp hơn 2,5 tỷ đô la đầu tư, tức hơn 1.000 giao dịch, trong đó 1 tỷ đô la thuộc về chỉ riêng năm 2017.
Quy định dường như đang giúp dọn đường cho các công ty đầu tư mạo hiểm xâm nhập vào lĩnh vực tiền mật mã. Dù tiền mật mã ngày càng phổ biến, phần lớn ngành công nghiệp này vẫn không được kiểm soát, do đó tiềm tàng các rủi ro đối với những công ty có yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt và những chủ sở hữu không thích rủi ro. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý và tính rõ ràng sẽ giúp cải thiện tình trạng trên.
Các nhà đầu tư tổ chức nên có cơ cấu hoạt động rõ ràng để gia nhập thị trường. Những điều luật mới đặt ra nhằm tăng cường an ninh, bảo vệ và giảm chiêu trò lừa đảo có thể để lại tác động đáng kể. Các quyết định như việc SEC phân loại bitcoin và Ethereum là hàng hóa chứ không phải chứng khoán cho thấy các VC có thể gia nhập thị trường với ít lo ngại về hậu quả pháp lý. Bản chất toàn cầu của blockchain và khuôn khổ quy định của nó giúp VC dễ dàng điều hướng hệ sinh thái hơn để tìm điều kiện thuận lợi cho mình.
CEO của Science Blockchain – Greg Gilman nói: “SEC và các cơ quan quản lý khác sẽ điều chỉnh thị trường tại thời điểm thích hợp. Họ cũng đã cố gắng tham gia vào cộng đồng tiền mật mã trong những tháng gần đây. Tôi nghĩ tình hình bất ổn hiện tại tạo ra nguy cơ khiến quyền hạn của Mỹ không cân xứng với các quốc gia có chính sách xác định rõ ràng và thân thiện hơn. Tôi nghĩ SEC và các cơ quan quản lý khác cũng nhận thức được điều này, và họ đang cố gắng cân bằng giữa nhiệm vụ khuyến khích đổi mới và sứ mệnh bảo vệ người tiêu dùng”.
Cuối cùng, không nên đánh giá thấp tính cạnh tranh của hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm và vai trò của nó trong lĩnh vực blockchain đang phát triển nhanh chóng. Đối với nhiều công ty, dù sợ nguy cơ bong bóng thì họ vẫn biết cái giá phải trả nếu phớt lờ tiền mật mã và blockchain. Hầu hết các công ty VC đang tìm cách tham gia thị trường. Cho dù họ chỉ đầu tư vào các quỹ khác bằng danh mục đầu tư tiền mã hóa hay lập kế hoạch toàn diện như thành lập một quỹ tiền mật mã, tình hình đã cải thiện hơn nhiều. Năm 2017, chỉ có 58 quỹ tiền mã hóa hoạt động, sang đến nửa đầu năm 2018 thì đã có hơn 225 quỹ mới thành lập.
Quan tâm nhiều hơn
Các công ty đầu tư mạo hiểm sẽ có nhiều động lực khám phá lĩnh vực tiền mã hóa hơn, từ đó hình thành một mô hình góp vốn lai tạo cho nhiều công ty blockchain khởi nghiệp. Những “tay chơi” VC lớn như Alphabet và Sequoia Capital đã chi hàng triệu đô la cho các dự án lớn. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ không dễ dàng vì nó đòi hỏi các VC phải nghiêm túc xem xét lại mô hình kinh doanh của mình. Tom Graham – đồng sáng lập TLDR Capital cho biết:
“ICO là mối đe dọa lớn đối với mô hình kinh doanh đầu tư mạo hiểm nhưng nó làm giảm đáng kể chi phí tài trợ đổi mới cho các dự án giao thức và token tiện ích. Các nhà đầu tư ICO không có năng lực thương lượng giá và cũng không yêu cầu cổ phần ưu đãi hoặc điều khoản đặc biệt. Ngày nay, các công ty đầu tư tiền mật mã mới thành lập cần cung cấp các dịch vụ có giá trị đối với các dự án tiền mã hóa và cộng đồng mà họ tạo ra. Trước đây các nhà đầu tư mạo hiểm mang đến giá trị dưới hình thức tiền bạc và lời khuyên, nhưng không nhiều người muốn phát triển các dịch vụ và sản phẩm để thực sự giúp các dự án đi đến thành công”.
Những tên tuổi lớn như Lightspeed (tài trợ Snapchat) và Venrock (nhánh VC của bất động sản Rockefeller) đã công bố ý định hỗ trợ các dự án mới với các khoản đầu tư toàn ngành. Vào tháng 3 năm 2018, có hơn 400 triệu đô la từ các quỹ VC đổ vào các công ty blockchain hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. ICO sẽ tiếp tục thống trị với giá trị và mục tiêu to lớn, còn VC sẽ cung cấp nền tảng cho nhiều dự án ICO.
Theo TapchiBitcoin/CCN.